Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quốc dân đã giao phó cho”.
Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao - Cụ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ-Ông Võ Nguyên Giáp,Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền-Ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Ông Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Thanh niên-Ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia-Ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội-Ông Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp-Ông Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Y tế-Ông Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính-Ông Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Lao động-Ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính-Ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục-Ông Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng không bộ-Ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng không bộ-Ông Nguyễn Văn Xuân. Và, kể từ đó, ngày 28/8 trở thành ngày truyền thống chung, được các ngành tổ chức kỷ niệm hằng năm.
Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào
Ngành công tác Văn phòng hành chính Nhà nước; đây là lĩnh vực gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước. Tất cả các công việc từ nhỏ đến lớn, từ bình thường đến quan trọng của một cơ quan, tổ chức muốn đảm bảo hoạt động có kỷ cương chặt chẽ, nề nếp, bắt buộc trong mỗi bộ máy của các cơ quan nhà nước đó phải có một tổ chức để điều hành, giải quyết các việc tham mưu, hành chính, sự vụ. Có thể nói, công tác Văn phòng với vai trò là bộ máy điều hành tổng hợp của cơ quan, nơi thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý; phục vụ hậu cần đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức. Ngành công tác Văn phòng hành chính ra đời cùng với lịch sử phát triển của các cơ quan nhà nước, có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu, gắn liền với sự tồn tại và phát triển vững mạnh của nhà nước trong mỗi cơ quan, tổ chức.
Ngành Tổ chức Nhà nước, trong suốt thời gian lịch sử có những lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn trong từng giai đoạn. Song, chức năng cơ bản của ngành Tổ chức Nhà nước là giúp Chính phủ và UBND địa phương xây dựng chính quyền nhân dân, quản lý địa giới hành chính... Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cách mạng, nội dung chức năng nhiệm vụ của ngành tổ chức Nhà nước luôn có sự đổi mới.
Ngành Văn hóa -Thông tin, Thông tin – Truyền thông; những ngày đầu thành lập chỉ có chức năng làm công tác thông tin tuyên truyền, cổ động nhân dân kháng chiến và kiến quốc; đúng với tên gọi là Bộ Thông tin - Tuyên truyền (28/8/1945) và Bộ Tuyên truyền và Cổ động (01/01/1946). Theo dòng lịch sử, tên gọi cùng với chức năng nhiệm vụ của ngành từ trung ương đến địa phương đã có hơn mười lần thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Đến tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Theo đó, ngày 19/2/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 258/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 28/8 hằng năm là “ Ngày truyền thống ngành Thông tin và truyền thông”.
Ngành lao động - thương binh và xã hội Theo quy đinh hiện nay, ngành lao động - thương binh và xã hội là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội (gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội); đồng thời có chức năng quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực do cấp Bộ quản lý.
Ngành Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngành Tư pháp, theo chiều dài lịch sử của đất nước, ngành Tư pháp đã xây dựng và trưởng thành và đạt được những thành tựu nổi bật. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng pháp luật và tư pháp dân chủ nhân dân. Ngoài ra, còn đảm đương tốt chức năng quản lý Nhà nước đa ngành, từ cấp vĩ mô như giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định chiến lược pháp luật, tư pháp của quốc gia, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Là những người hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên, chúng ta có quyền tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành mình đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Mọi người cần phải tiếp tục nỗ lực, không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, vươn lên đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới./.